Cứ vào cữ tháng Ba, khi bắt đầu có nắng non là trên những cành gạo khẳng khiu, gầy guộc đầu làng bỗng bung ra những chùm hoa bừng lên sắc đỏ rực rỡ, báo hiệu mùa hè sắp sang.
Hoa gạo còn có tên gọi khác là Mộc miên, Hồng miên… Và ai đã trót mê đắm ca khúc “Sông Đắkrông mùa xuân về” của nhạc sĩ Tô Hải qua giọng hát Trọng Tấn thì hẳn không quên ca từ da diết và hùng vĩ: Chim Kơ tia bay tới, nghiêng cánh chào Đắkrông/ Pơ lang khoe sắc thắm, gió đưa hương đôi bờ…
Nhưng không hẳn ai cũng biết, hoa Pơ lang trong câu hát trên chính là tên gọi hoa gạo của đồng bào Tây Nguyên.
Tôi không hiểu sao lại có tên là hoa gạo. Có người bảo vì quả gạo khi chín khô sẽ nứt vỏ, đùn ra túm bông trắng muốt như bát cơm gạo mới… Nhưng trong trí nhớ non nớt của tôi, tháng Ba là tháng có cái đói giáp hạt ám ảnh cả thời ấu thơ không thể nào quên. Gọi là đói giáp hạt vì thóc gạo mùa trước đã cạn, ngoài đồng lúa vụ chiêm còn con gái hoặc mới bắt đầu làm đòng. Chạy ăn từng bữa. Thời gian kéo dài lê thê. Năm nào lại nhuận hai tháng ba nữa thì thôi rồi, dài cổ mà chờ vụ năm… Có lẽ thế chăng mà khi cái cây cổ thụ đứng sừng sững đầu làng bừng lên sắc đỏ thì người nông dân cho rằng, đó là tín hiệu báo cái tháng giáp hạt sắp qua và mùa lúa mới sắp đến. Phải thế mà gọi là hoa gạo, cái loài hoa đỏ như ánh lửa thắp lên niềm hy vọng vào một mùa vụ no ấm chăng…
Theo các nhà khoa học, cây gạo có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau đó di thực và ngày nay được trồng rộng rãi ở Malaysia, Indonesia, miền Nam Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam.
Ở nước ta, cây gạo được trồng chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và nhiều nhất có lẽ là các tỉnh đồng bằng, trung du… Ngày trước, ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ, hầu như làng nào cũng có ít nhiều một vài cây gạo. Cây gạo thường được trồng ở đầu làng, ngã ba nơi ranh giới giữa các xóm, trồng cạnh đình, miếu và đôi khi ở cả chùa, phủ…, nhưng nhiều nhất có lẽ ở các điếm canh đê, dốc đê lối rẽ vào làng và nghĩa trang hoặc giữa cánh đồng.
Ở nhiều nơi, cây gạo thường được trồng thành đôi và trở thành biểu tượng của làng quê Việt Nam hồn hậu và đầy khát vọng vươn lên. Thân gạo cao, mọc thẳng, có nhiều gai hình chóp nón, cành mọc ngang tạo cho cây có dáng đẹp, vững chãi, sẵn sàng chống chọi gió bão. Thân gạo xù xì, gỗ gạo mềm nên không thể dùng để đóng đồ nhưng các núm gạo (còn gọi là vú gạo) mọc từ thân ra lại có thớ mịn nên ngày trước có khi được dùng để khắc con dấu hoặc làm miệng sáo diều. Tán gạo không rậm rạp nhưng đủ tạo bóng mát cho người nông dân nghỉ chân giữa cánh đồng trong cái nắng hè chói chang hoặc vừa quạt nón vừa hàn huyên câu chuyện sau buổi làm đồng dưới tán gạo đầu làng…
Ở các tỉnh miền Bắc, nhiều nơi có những cây gạo đẹp nổi tiếng như ở Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình (xã Quang Bình, huyện Kiến Xương)… Đặc biệt ở Bắc Giang có cây hoa gạo cổ thụ trên bờ đê sông Thương, chạy qua cánh đồng Đông Loan xã Lãng Sơn (Yên Dũng) được dân nhiếp ảnh coi là cây gạo đẹp nhất… vịnh Bắc Bộ. Các tỉnh miền núi phía Bắc, điển hình là Hà Giang cũng trồng nhiều cây gạo trên khắp các cung đường.
Ngay Hà Nội cũng có nhiều nơi có cây gạo đẹp thu hút nhiều người đến chụp ảnh như hàng gạo ở thôn Đoan Nữ (xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức), ở chùa Trầm, chùa Hương, chùa Thầy… Ngay trong nội thành cũng có nơi trồng gạo như cây gạo ở Bờ Hồ, ở Bảo tàng Lịch sử…
Mùa đông, gạo trút lá chỉ còn lại cành cây trơ trụi. Cuối xuân, tiết trời ấm áp, trên những cành cây tưởng như đã chết khô ấy nhú ra những chiếc nụ như những búp sen xanh. Những búp xanh ấy quay đi quay lại đã nhô lên khỏi lớp lá đài hình chén có ba thùy, lộ ra lớp cánh hoa ngoài cùng phớt hồng và chỉ chờ rụt rè cái nắng non đầu mùa là bung ra những bông hoa rực rỡ.
Hoa gạo to, như chiếc bát sứ có năm cánh dày đỏ như không gì có thể đỏ hơn. Hoa gạo thường mọc đơn độc hoặc thành chùm và phủ kín các cành cây nhìn xa như ngọn đuốc khổng lồ, trở thành dấu mốc cho những người xa xứ lưu lạc lâu ngày tìm về nơi chôn nhau cắt rốn.
Thuở nhỏ, theo thầy tôi đi tứ xứ làm nghề, cạnh lò rèn của thầy ở Cổ Lễ (Nam Định), ở chợ Động, chợ Đầm (Hà Nam) đều có cây gạo cổ thụ. Tôi cùng lũ trẻ con hàng xóm thường tha thẩn nhặt những bông hoa gạo và đôi khi cả chiếc nụ sắp nở bị gió thổi rụng xuống, bóc lớp cánh và nhấm nháp chùm nhị bên trong nhơn nhớt, vừa có chút vị ngọt vừa có vị chan chát.
Trong bầu hoa gạo có nhiều mật nên mùa hoa gạo nở cũng là mùa thu hút các loài chim đến hút mật, nhiều nhất là chào mào và chim vành khuyên.
Cây gạo thường được trồng ở nơi quang đãng nên tán nó tự do phát triển, nhiều cành cây buông xuống với dáng mềm mại, tự nhiên như trong tranh tứ bình, đẹp đến nao lòng.
Khi hoa gạo bắt đầu tàn thì gạo mới nảy lộc, ra lá non. Lá gạo là loại lá kép chân chim có hình lòng bàn tay với khoảng 5 – 6 lá chét tỏa ra từ một điểm trung tâm (chóp cuống lá), xòe ra như những ngôi sao xanh đẹp chẳng kém gì hoa.
Quả gạo chín vào mùa thu, tự tách những mảnh vỏ và bung ra lớp bông mềm mịn. Thuở nhỏ, chúng tôi thường tranh nhau lượm để lấy bông nhồi gối rất êm.
Bây giờ, nước ta chẳng những sản xuất đủ gạo ăn mà còn dư để xuất khẩu đứng vào hàng nhất nhì thế giới. Vì vậy, cái đói giáp hạt tháng Ba chỉ còn trong ký ức của lớp người lớn tuổi như chúng tôi. Còn lớp trẻ bây giờ lại háo hức chờ đón tháng Ba với mùa hoa gạo đỏ rực một góc trời để đua nhau tìm đến những điểm có cây gạo đẹp để check-in, chụp ảnh, tạo dáng. Hình ảnh những chú mục đồng trong ráng chiều lùa đàn trâu về chuồng, cô thôn nữ quảy đôi quang gánh hay những thiếu nữ nơi phố thị tạo dáng với cánh áo dài thướt tha dưới tán hoa gạo đỏ tạo nên những bức tranh nơi làng quê yên bình, no ấm. Điển hình là cây gạo ở Bắc Giang mọi năm thường thu hút các tay máy, năm nay trở thành điểm check-in đông kín người.
Chả trách mà nhà thơ Vương Trọng bảo tôi, nếu như các thung lũng miền núi nước mình quy hoạch thành một quần thể hoa gạo, thì hội hoa gạo tháng Ba chẳng kém hội hoa anh đào ở Nhật Bản, Hàn Quốc!